1

.

2

.

3

.

4

.

5

.

Thứ Năm, 22 tháng 12, 2011

BCEC TỔ CHỨC BUỔI TẬP HUẤN CHO NÔNG DÂN


BCEC tổ chức buổi tập huấn “Mua bán Cà phê qua sàn giao dịch” cho Nông dân

Sáng ngày 24/11/2011, Trung tâm Giao dịch Cà phê Buôn Ma Thuột (BCEC) đã tổ chức buổi hội thảo tập huấn “Mua bán Cà phê qua Sàn giao dịch” cho bà con Nông dân. Buổi hội thảo có sự tham gia của đại diện Ngân hàng Techcombank, CafeControl, Công ty Cổ phần Thái Hòa Buôn Ma Thuột, các Thành viên của BCEC và hơn 150 nông dân trên địa bàn Thành phố Buôn Ma Thuột và huyên Cư M’gar.
  
Ông Nguyễn Tuấn Hà phát biểu
Tại buổi hội thảo ông Nguyễn Tuấn Hà đại diện BCEC đã phát biểu và giới thiệu hoạt động của BCEC. Xuyên suốt buổi hội thảo là các phần trình bày của các đơn vị ủy thác giới thiệu về hoạt động ký gửi hàng hóa và kiểm định chất lượng, các chính sách hỗ trợ tín dụng cho bà con nông dân. Theo đó, Techcombank sẽ cho vay với chứng thư gửi kho tại BCEC, và cấp tài khoản thấu chi cho Thành viên ký gửi cà phê tại BCEC (hạn mức lên đến 70% giá trị lô hàng gửi).

   
Với sự tham gia đông đủ của khách mời và bà con nông dân
Ngoài những nội dung hướng dẫn cho bà con Nông dân tham gia giao dịch tại BCEC, Hội thảo còn mời công ty phân vi sinh Biostadt tại Việt Nam (trụ sở chính tại Ấn Độ) tham gia giới thiệu sản phẩm, và hướng dẫn kỹ thuật sử dụng phân vi sinh, đồng thời có những phần quà có giá trị cho những người tham gia Hội thảo.


Trao quà cho chương trình hỏi đáp
Buổi hội thảo đã kết thúc với kết quả mong đợi là giúp bà con Nông dân hiểu rõ hơn hoạt động của Sàn giao dịch và nắm bắt được các chính sách hỗ trợ cho bà con Nông dân trong mùa vụ mới 2011-2012. BCEC tin tưởng qua buổi hội thảo này sẽ có nhiều bà con Nông dân ký gửi cà phê tại BCEC hơn, nhằm đem lại sự an toàn và hiệu quả cao nhất cho hạt cà phê do bà con Nông dân làm ra.

CÀ PHÊ BUÔN MÊ THUỘT MẤT VỀ TAY TRUNG QUỐC


Thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột mất về tay Trung Quốc

Giới kinh doanh xuất khẩu cà phê Việt Nam đang đứng ngồi không yên khi thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột của tỉnh Đăk Lăk đã bị đăng ký bảo hộ độc quyền trong vòng 10 năm tại Trung Quốc.

Cụ thể, hai nhãn hiệu "BUON MA THUOT & chữ Tàu" và "BUON MA THUOT COFFEE 1896 & logo" gắn liền với nhiều sản phẩm trong đó có cà phê, đã được Trung Quốc cấp chứng nhận bảo hộ độc quyền cho Công ty Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee Co.,Ltd. Hai nhãn hiệu này được đăng ký lần lượt vào ngày 14/11/2010 và 14/6 năm nay, tại tỉnh Quảng Đông.
Không chỉ có cà phê Buôn Ma Thuột, một thương hiệu khác nổi tiếng về cà phê ở Việt Nam là Đăk Lăk cũng đã bị công ty Itm Entreprises (Société Anonyme) ở Pháp đăng ký độc quyền nhãn hiệu dưới tên của mình. Chứng nhận do cơ quan Sở hữu trí tuệ Pháp cấp từ ngày 25/9/1997, được đăng ký bảo hộ ở hơn 10 quốc gia khác. 

Hai nhãn hiệu "BUON MA THUOT & chữ Tàu" và "BUON MA THUOT COFFEE 1896 & logo" đã được Trung Quốc cấp chứng nhận bảo hộ độc quyền cho công ty Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee Co.,Ltd.
Bross & Partners là một công ty luật hoạt động trong lĩnh vực tư vấn và đại diện bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam, đã phát hiện việc bị mất thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột vào tay doanh nghiệp Trung Quốc và lên tiếng cảnh báo.
Giám đốc Bộ phận Sở hữu trí tuệ Công ty Luật Bross & Partners, ông Lê Quang Vinh cho biết việc thương hiệu cà phê của Việt Nam bị nước ngoài đăng ký bảo hộ độc quyền là rất nguy hiểm. “BUON MA THUOT (hoặc DAK LAK) đều là chỉ dẫn địa lý của Việt Nam và là tài sản của nhà nước. Việc chủ thể nước ngoài sở hữu nó đồng nghĩa với việc tài sản của nhà nước bị rơi vào tay người khác”, luật sư Vinh cho biết.
Mặt khác, theo luật sư Vinh, việc này sẽ làm xuất hiện nguy cơ cà phê Việt Nam bị kiện hoặc bị ngăn chặn xuất khẩu ngay tại cửa khẩu biên giới các nước do xâm phạm độc quyền nhãn hiệu. Về lâu dài, niềm tin của khách hàng nước ngoài đối với cà phê Việt Nam có thể suy giảm nghiêm trọng do không thể phân biệt được đâu là cà phê từ Buôn Ma Thuột thật và đâu là cà phê Buôn Ma Thuột "rởm".
“Chúng tôi đã tư vấn cho Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Đăk Lăk, đánh giá khả năng thành công khá cao nếu tiến hành vụ kiện yêu cầu bỏ bảo hộ độc quyền nhãn hiệu BUON MA THUOT Trung Quốc”, ông Vinh cho biết.
Chủ tịch Hiệp hội cà phê, ca cao Việt Nam Lương Văn Tự cũng cho rằng việc doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột là sai, bởi lẽ thuộc chỉ dẫn địa lý của Việt Nam. Vì vậy tỉnh Đăk Lăk quản lý thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột phải kiện để yêu cầu doanh nghiệp Trung Quốc từ bỏ quyền sử dụng nhãn hiệu này.
Ông Tự cho rằng, vụ việc này sẽ tác động lâu dài đến xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam.
Cục trưởng cục sở hữu trí tuệ Bộ Khoa học công nghệ, Trần Việt Hùng nhận định, đây không phải là lần đầu tiên thương hiệu Việt Nam bị doanh nghiệp nước ngoài đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu. Trước đây kẹo dừa Bến Tre, cà phê Trung Nguyên.... cũng gặp tình trạng tương tự và đã khởi kiện dành được phần thắng ngay tại Trung Quốc.
Ông Hùng cũng chung ý kiến là cần khởi kiện để đòi lại quyền sở hữu thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột. UBND thành phố Buôn Ma Thuột, nơi sở hữu thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột phải là nguyên đơn khởi kiện, còn Cục sở hữu trí tuệ sẽ hỗ trợ về mặt hành chính, cơ sở pháp lý.
"Hiện nay chưa có doanh nghiệp cà phê nào của Buôn Ma Thuột báo cáo là bị ảnh hưởng bởi nhãn hiệu bị đăng ký độc quyền ở Trung Quốc, nhưng về lâu dài có thể sẽ xảy ra trường hợp như của kẹo dừa Bến Tre. Vì vậy chúng ta nên khởi kiện sớm để đòi lại thương hiệu", ông Hùng nhấn mạnh.
                     Thiếu nữ bên cây cà phê Buôn Ma Thuột. Ảnh: 
Trao đổi với VnExpress.net, giảng viên Kinh tế Luật - Đại học quốc gia TP HCM, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sơn phân tích, ảnh hưởng của việc thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột bị doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký độc quyền sẽ rất khó lường. Vấp phải sự cố này, việc xuất khẩu cà phê chắc chắn sẽ gặp khó vì người tiêu dùng thế giới nhầm lẫn thương hiệu và vấp quy định sở hữu độc quyền. Điều này sẽ ảnh hưởng đến uy tín và danh dự của doanh nghiệp, kéo theo sản lượng xuất khẩu chắc chắn sụt giảm.
Theo ông Sơn, chưa chắc mục đích doanh nghiệp nước ngoài đăng ký bản quyền thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột hay Đăk Lăk là tranh giành khách hàng. Việc này có thể tác động tiêu cực khác là ngăn chặn và hạn chế sự xuất hiện của sản phẩm cà phê Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk chính hiệu trên thị trường quốc tế.
Để đòi lại thương hiệu, theo ông Sơn, tỉnh Đăk Lăk có thể làm theo hai cách. Thứ nhất bằng con đường ngoại giao, đàm phán. Thứ hai, tiến hành một vụ kiện đòi quyền sở hữu trí tuệ theo quy định trong khuôn khổ WTO. Trong đó cơ sở pháp lý là nhãn hiệu cà phê này gắn liền với địa danh Buôn Ma Thuột có nguồn gốc từ Việt Nam và là một vùng đặc sản lâu đời.
Trong trường hợp khởi kiện, chi phí sẽ rất lớn nhưng nếu các doanh nghiệp ở vùng sản xuất cà phê này biết cùng nhau chia sẻ quyền lợi và trách nhiệm thì dù thắng hay thua kiện cũng tác động tích cực đến ý thức cộng đồng quốc tế về cà phê Việt Nam.
"Giá trị nội địa và giá trị quốc tế không còn khoảng cách khi Việt Nam gia nhập WTO. Việt Nam có rất nhiều đặc sản. Vì vậy các doanh nghiệp và cả nhà nước cần phải ý thức gìn giữ những giá trị này trong cuộc chạy đua cạnh tranh thương mại toàn cầu", ông Sơn khuyến cáo.
Buôn Ma Thuột được xem là "thánh địa" của cà phê Việt Nam, với hơn 100.000 ha diện tích trồng cây nguyên liệu. Sản lượng cà phê bình quân vùng khoảng 300.000 tấn một năm, xuất khẩu ra khoảng 60 nước, vùng lãnh thổ trên thế giới. Sản lượng cà phê cả nước một năm chừng một triệu tấn.
Nhóm phóng viên

Thứ Tư, 21 tháng 12, 2011

Giới Thiệu Thị Xã Buôn Hồ


Thị xã Buôn Hồ được thành lập vào ngày 23/12/2008 theo Nghị định số 07/NĐ-CP của Chính phủ là đô thị trung tâm có vai trò là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học kỷ thuật của khu vực phía Bắc của tỉnh ĐắkLắk, có vị trí an ninh quốc phòng đặc biệt quan trọng nằm ở phía Đông Bắc của thành phố Buôn Ma Thuột, cách trung tâm tỉnh lỵ 40 km về phía Đông Bắc, chạy dọc theo Quốc lộ 14, Đông giáp huyện Krông Năng, EaKar; Tây giáp huyện Cư M’Gar; Nam giáp huyện Krông Pắc; Bắc giáp huyện Krông Búk. Bên cạnh đó thị xã Buôn Hồ còn có các tuyến quốc lộ huyết mạch nối liền các tỉnh Gia Lai, Kon Tum với Thành phố Buôn Ma Thuột; Hệ thống giao thông thuận lợi, đường ô tô đến hầu hết các trung tâm đông dân cư theo tuyến Quốc lộ 14, quốc lộ 26 và các tuyến đường liên xã, liên phường, thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa, dịch vụ thương mại.

Thị xã Buôn Hồ có 28.205,89 ha diện tích tự nhiên và 101.554 nhân khẩu, có 12 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm các phường: Đạt Hiếu, An Lạc, An Bình, Thiện An, Đoàn Kết, Thống Nhất, Bình Tân và các xã: Ea Siên, Ea Drông, Ea Blang, Bình Thuận, Cư Bao; Trên địa bàn thị xã có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống như Ê Đê, GiaRai, Kinh, Tày…đã tạo nên một nền văn hóa phong tục đa dạng, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc
                        
Thị xã nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, đặc trưng cho vùng Cao nguyên Nam Trung Bộ, mỗi năm có hai mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 4 năm trước đến tháng 10 năm sau, lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 1.700mm, nhiệt độ trung bình là 23,40 C rất thuận lợi cho các loại cây công nghiệp như cà phê, cào su, ca cao, tiêu.. và cây lương thực như Ngô lai, đậu tương và cây ăn trái khác.

Hiện nay, Buôn Hồ đã là "tâm điểm" của vùng chuyên canh cây cà-phê nổi tiếng, được trải rộng ra các huyện lân cận, bao gồm huyện Cư M'gar, Krông Năng, Ea H'Leo với diện tích gần 100.000 ha. Ðồng thời, đây cũng là vùng có hệ sinh thái phong phú và đa dạng với các khu rừng đặc dụng, phòng hộ tiêu biểu như: đèo Hà Lan, rừng thông Buôn Tring... nên rất có tiềm năng trong việc phát triển du lịch sinh thái, gắn với văn hóa truyền thống của người dân bản địa. Ở đó Buôn Hồ được coi như một "địa chỉ đỏ" có sức lan tỏa, ảnh hưởng rộng khắp toàn vùng. Với những đặc trưng đó, Buôn Hồ được xác định là đô thị kinh tế-sinh thái-văn hóa cấp vùng của tỉnh.

Khai thác thế mạnh của thiên nhiên, điều kiện văn hóa, xã hội để phát triển du lịch văn hóa -sinh thái, hướng dẫn người dân trong việc tạo việc làm, tham gia các hoạt động dịch vụ du lịch, cải thiện đời sống cho đồng bào nhằm phát triển kinh tế - xã hội địa phương, bảo vệ môi trường sinh thái, giữ vững an ninh quốc phòng, là vấn đề đang được cấp ủy, chính quyền của tỉnh Đăk Lăk và thị xã Buôn Hồ quan tâm thực hiện, góp phần phát triển một cách toàn diện hoạt động kinh tế của thị xã

ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN:
1. Tài nguyên đất đai:


Đất nâu đỏ trên đá bazan chiếm tỷ lệ khá lớn, thuận lợi cho cho phát triển nông nghiệp, nhất là các loại cây công nghiệp. Ngoài ra có các loại đất khác như đất đen trên sản phẩm bồi tụ của đá bazan, đất dốc tụ, đỏ vàng, đất xám,....
   
2.Tài nguyên rừng:

Diện tích rừng của thị xã Buôn Hồ khá ít, chỉ có ở phía Bắc xã Ea Đrông và phía Nam xã Cư Bao.

Tình trạng phá rừng làm rẫy, khai thác gỗ và chuyển đổi sang đất trồng cây công nghiệp đã làm suy giảm diện tích rừng, đất dễ bị xói mòn, rửa trôi, khả năng giữ nước giảm, tình hình thiên tai lũ lụt, hạn hán càng trở nên nghiêm trọng. Hiện nay thị xã đang rà soát khu vực dọc suối Krông Búk thuộc phạm vi xã Ea Blang, phường Thiện An, An Lạc để có phương án trồng rừng, tăng độ che phủ, bảo vệ môi trường sinh thái bền vững.
                       
3.Tài nguyên nước:

- Nước mặt:

Thị xã Buôn Hồ có nhiều suối và hợp thủy tương đối đều giữa các khu vực, dòng chảy phân bố không đều. Nguồn nước phân thành hai mùa: mùa mưa từ tháng 8 -11, mùa cạn từ tháng 12 đến tháng 7 năm sau. Lượng dòng chảy mùa cạn chỉ chiếm 20-25% tổng lượng dòng chảy cả năm, nên khai thác phục vụ sản xuất rất hạn chế.

Các suối chính gồm: suối Krông Búk bắt nguồn từ độ cao 700-800m chảy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, lòng suối rộng khoảng 10m, hiện nay đã xây dựng đập thủy lợi Buôn Trinh tưới 150 ha cà phê. Ngoài ra có các suối nhỏ, ngắn, lưu lượng thấp, khai thác phục vụ sản xuất nông nghiệp còn hạn chế.

Chia thành 2 vùng có khả năng cấp nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất như sau:

+ Vùng có nguồn nước tương đối thuận lợi: gồm khu vựcdọc theo suối Krông Búk, chênh lệch độ cao giữa mặt suối và vùng canh tác lớn nên để khai thác được nguồn nước phải đầu tư vốn tương đối cao.

+ Vùng có nguồn nước tương đối khó khăn: dọc theo ranh giới huyện Krông Năng, Cư M’Gar, nằm ở đầu nguồn nước, các suối nhỏ.

+ Vùng có nguồn nuớc đặc biệt khó khăn: chạy dọc theo quốc lộ 14.

- Nước ngầm:

Độ dày tầng chứa nước biến động từ 60-160m, trung bình 100m và giảm dần từ Bắc xuống Nam.

Mực nước ngầm tương đối phong phú, có thể khai thác phục vụ sản xuất nông, công nghiệp và dân sinh, bổ sung cho nguồn nước mặt ở những vủng khó khăn. Thời gian gần đây, quan trắc nước ngầm vùng Nam Tây Nguyên cho thấy do canh tác nông nghiệp, khai thác lâm sản nên mực nước ngầm và chất lượng nước đã thay đổi. Ở TX. Buôn Hồ mực nước ngầm thấp hơn giai đoạn 1980 khoảng 3 – 5m, trong nước có Nitric và Nitrat hàm lượng thấp do bón phân vô cơ cho cây thấm xuống đất, hiện nay chưa ảnh hưởng đến việc sử dụng nước ngầm. Nếu không bảo vệ môi trường, xử lý chất thải thì nước ngầm sẽ bị ô nhiễm.

4.Tài nguyên khoáng sản: Nguồn tài nguyên khoáng sản không nhiều, chưa được điều tra kỹ. Hiện nay chủ yếu là đá Bazan đang khai thác phục vụ xây dựng, giao thông, thủy lợi, xây dựng dân dụng.

5.Tài nguyên du lịch: Thị xã có nhiều tiềm năng phát triển du lịch như khai thác cảnh quan dọc sông Krông Búk, thác suối Krông Búk ở xã Ea Blang, hồ Ba Diễn, cảnh quan vườn cây công nghiệp thuận lợi phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, vui chơi giải
trí.